Tin tức & Sự kiện

Microsoft Surface Hub, những câu chuyện chưa kể

Surface Hub là một thiết bị rất đặc biệt của Microsoft. Nó không phải là một chiếc máy để bàn bình thường, cũng chẳng phải là tablet hay laptop, mà là một màn hình khổng lồ chạy Windows 10. Thiết bị này không chỉ được dùng để trình diễn rằng Windows 10 có khả năng hoạt động với mọi loại thiết bị khác nhau mà nó còn mang trong mình khát vọng thay đổi những căn phòng họp truyền thống.

Trong bài viết bên dưới, bạn sẽ được nghe Jeff Han, cha đẻ của Surface Hub, chia sẻ về chặng đường từ khi ông còn nghiên cứu công nghệ cảm ứng đa điểm cho đến khi công ty của ông sáp nhập vào Microsoft. Bạn cũng thấy được nhiều hình ảnh và video về nhà máy sản xuất ra sản phẩm này đặt ngay trên đất Mỹ chứ không phải gia công ở Đài Loan hay Trung Quốc.

Ngón tay của Jeff Han đang nhảy múa trên một màn hình cảm ứng thật lớn gắn trên tường. Ông xoay trái đất trên màn hình và dừng lại ở một nơi dọc đại lộ của thành phố Wilsonville thuộc bang Oregon, Mỹ. “Đây là tòa nhà của chúng tôi, chính nó”. Nó trải dài trên một khu đất với diện tích 4 hecta bên cạnh một nhà sản xuất máy hủy giấy và một kho chứa thuyền. Tòa nhà này đã có từ lâu, có điều Microsoft không nói cho chúng ta biết, và kể từ tháng 3/2014 đến nay, cơ sở này đã được Microsoft sử dụng để sản xuất một thiết bị mà hãng đã ấp từ lâu: chiếc Surface Hub.

Nếu bạn chưa biết thì Surface Hub là một chiếc “máy tính bảng” chạy Windows 10, nhưng nó không phải là cái tablet mà bạn cầm trên tay bình thường. Thay vào đó, Surface Hub to như một cái TV và sẽ được gắn trên tường của các phòng họp, cơ sở sản xuất hay bất kì đâu trong công sở. Thiết bị này sở hữu màn hình 84” độ phân giải 4K với giá bán 19.999$ (có phiên bản 55” Full-HD giá 6.999$), chạy CPU Core i5 hoặc i7 và được tích hợp hàng loạt tính năng phục vụ cho mục đích trình chiếu, hội thoại trực tuyến, ghi chú nhóm, brainstorm ý tưởng… Tất cả được thực hiện thông qua thao tác cảm ứng và bút thay cho chuột và bàn phím truyền thống.

Surface Hub - sản xuất bởi chính Microsoft

Kể từ khi Microsoft ra mắt chiếc Surface Hub hồi tháng 1 năm nay, nhiều người nghĩ rằng Microsoft chỉ thiết kế sản phẩm này rồi đưa cho một bên thứ ba tạo ra thành phẩm. Nhưng không, chính tay hãng đã chuẩn bị hầu như mọi thứ để bắt đầu đưa vào sản xuất thiết bị này để kịp giao hàng vào cuối năm. Jeff Han, người hiện đang giữ vai trò giám đốc mảng Surface Hub, chia sẻ: “Chúng tôi không tự làm tấm LCD, và đó dường như là thứ duy nhất mà chúng tôi không làm ở đây”.

Jeff Han - giám đốc chính của dự án Surface Hub​
Jeff Han - giám đốc chính của dự án Surface Hub​

Với Han, việc ra mắt Surface Hub là một phần trong nhiệm vụ mà ông đã theo đuổi trong hơn một thập kỷ qua. Han lần đầu hé lộ về dự án này hồi năm 2006 khi ông đứng trên sân khấu của chương trình trực tuyến TED để nói về một giao diện điện toán mới gọi là “cảm ứng đa điểm”. Lúc đó Han là một nhà diễn thuyết tuyệt vời, và bây giờ vẫn thế.

Vào năm 2006, tức là trước khi iPhone ra đời, thứ mà Han trình diễn khiến ai cũng ngạc nhiên, và video ghi lại bài thuyết trình của ông trở thành một trong những đoạn video đầu tiên của TED được chia sẻ với số lượng lớn trên các mạng xã hội. Sau đó, Han đưa ý tưởng của mình vào một công ty khởi nghiệp mang tên Perceptive Pixel (PPI), vốn là đơn vị cung cấp màn hình cao cấp cho nhiều công ty khác, từ Bộ quốc phòng Mỹ cho đến Disney. Đến năm 2012, Microsoft đã mua lại PPI.

Và bây giờ, Han được Microsoft giao cho trọng trách phát triển và sản xuất chiếc Surface Hub. Nếu không có nghiên cứu, tầm nhìn cũng như sự kiên trì của Han thì thiết bị này hẳn đã không được ra đời. Không như chiếc kính HoloLens khiến mọi người vỡ òa trong kinh ngạc, Surface Hub xuất hiện một cách âm thầm hơn, nhưng lại là một thứ thực tế và có thể xài được ngay.

Mike Angiulo, phó chủ tịch phần cứng của Microsoft và cũng là sếp của Han, nói: “Tôi đã làm việc ở vai trò phát triển sản phẩm từ rất lâu rồi (1993), và những dự án đó toàn xoay quanh việc tăng hiệu quả làm việc cho người dùng. Nếu bạn hỏi tôi về những gì đã thay đổi cách mà chúng ta làm việc, thì bạn sẽ thấy mọi thứ phát triển theo cấp số nhân, từ PC cho đến các giải pháp di động và điện thoại. Nhưng còn phòng họp, những căn phòng họp trong các công ty thì vẫn không khác mấy so với hồi năm 93. Chúng ta có một cái bảng trắng, một máy chiếu và một cái điện thoại. Chấm hết.”

Thế là Microsoft đặt ra tham vọng thay đổi điều này. Với Surface Hub, mọi người trong một cuộc họp có thể sử dụng thiết bị này như một công cụ để làm việc nhóm hiệu quả hơn. Tuy nhiên, mọi thứ chưa chắc đã thành công. Hồi năm 2002, Microsoft ra mắt Tablet PC và nói rằng loại máy tính này sẽ thay thế laptop truyền thống trong vòng 5 năm, nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như thế. Tương tự, chiếc Surface hồi năm 2007, vốn là một cái bàn tích hợp màn hình cảm ứng và máy tính bên trong - cũng đã không “sống sót”.

Chiếc bàn Microsoft Surface (2007)​
Chiếc bàn Microsoft Surface (2007)​

Nhưng dù cho thị trường phản ứng ra sao với chiếc Surface Hub đi nữa thì Han nhận thấy rằng Microsoft đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào chiếc máy này. “Đây không chỉ là một thí nghiệm nhỏ nhặt. Chúng tôi cam kết cống hiến cho dự án. Chúng tôi không làm những thứ nhỏ, chúng tôi làm những to”.

Từ TED đến Bill Gates, Steve Ballmer và Satya Nadella

Han đã bắt đầu hứng thú với công nghệ từ rất lâu, rất lâu trước khi ông làm việc cho Đại học New York với vai trò một nhà nghiên cứu khoa học. Từ lúc 5 tuổi, ông đã bắt đầu mở những chiếc TV hay đầu máy ở nhà ra xem, và hiện ông vẫn còn một vết sẹo khi em gái ông làm rớt sắt hàn vào chân ông.

Nhà nghiên cứu “nghịch ngợm” này bắt đầu nhúng tay vào giao diện cảm ứng đa điểm khi ông làm cho Đại học New York hồi năm 2002. Sau đó ông phải tạm gác lại dự án này để ưu tiên cho những thí nghiệm khác như xe tự hành, theo dõi chuyển động của mắt, ghi lại hoạt động của con người…

Tới năm 2005, ông bắt đầu quay lại nghiên cứu multi-touch và “dính” với công nghệ này từ đó đến nay. Đến tháng 2/2006, ông đã sẵn sàng để trình diễn dự án của mình tại hội nghị TED bằng cách sử dụng một màn hình 36” và nhiều camera để theo dõi chuyển động của ngón tay Han. Ngay từ khi đó Han đã sử dụng thao tác mở hai ngón tay để zoom ảnh, thứ đã trở nên vô cùng quen thuộc với mọi người vào năm 2015.

Và chính những tràng pháo tay cũng như tiếng ồ òa của khán giả tham dự buổi nói chuyện TED hôm đó chính là thứ giúp ông thành lập Perceptive Pixel chỉ một thời gian ngắn sau đó. Mục tiêu của công ty này đó là biến nghiên cứu của Han thành một sản phẩm thương mại có thể bán được.

Nhưng Apple cũng có làm multi-touch. Tháng 1/2007, Steve Jobs đứng trên sân khấu với chiếc iPhone đời đầu tiên và nói rằng “Chúng tôi (Apple) đã phát minh ra một công nghệ mới gọi là multi-touch”. Han thì rất cẩn trọng không bình luận gì về phát ngôn này, ông chỉ nói: “Tôi không phải là người duy nhất làm việc với nó, có nhiều người khác cũng làm nữa”.

Và trong số “những người khác” đó cũng có Microsoft. 4 tháng sau khi iPhone ra mắt, Microsoft công bố Surface, một chiếc máy tính chạy Windows Vista được tích hợp trong một cái bàn với màn hình 30”. Những thao tác cảm ứng mà sản phẩm này sử dụng cũng khá giống những gì Han đang nghiên cứu, nhưng thay vì đưa Surface vào trong công sở, Microsoft lại muốn mang chiếc bàn này ra những nơi công cộng như quán cà phê, cửa hàng, khách sạn, sòng bài… CEO Steve Ballmer khi đó nói: “Chúng tôi thấy mảng này là một mảng có thể kiếm được nhiều tỉ USD, và chúng tôi nhìn thấy một tương lai khi mà công nghệ cảm ứng bề mặt sẽ xuất hiện ở khắp nơi, từ những chiếc bàn cho đến các tấm gương đặt trong hành lang. Surface là bước đi đầu tiên để tiến đến tương lại đó.”

Đáng tiếc thay, tương lai mà Ballmer nói đến đã không trở thành hiện thực. Đến năm 2012, công ty đổi tên chiếc bàn này thành PixelSense, còn thương hiệu Surface được dùng cho dòng tablet Windows 8 của công ty. Hiện Samsung vẫn còn bán những chiếc bán PixelSense.

Quay trở lại với startup Perceptive Pixel (PPI) của Han, thiết bị của công ty được biết đến rộng rãi sau khi người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng John King sử dụng nó trong một chương trình phát sóng bởi đài CNN. King dùng thiết bị cảm ứng này để lướt qua các bản đồ khác nhau và tổng kết lại số lượng bỏ phiếu bằng một phần mềm được chính PPI phát triển. Han nói: “Ông ấy (King) không chỉ đơn giản là đọc từ màn hình ra. Ông ấy sử dụng nó như một công cụ để kể chuyện. Vào lúc ấy, bất kì khách hàng nào xem chương trình cũng tỏ ra kiểu ‘Đây chính là thứ tôi muốn’. Đây là thứ mà một giáo viên sẽ làm khi giảng bài cho học sinh, đây là thứ mà một nhà chỉ huy sẽ cần đến khi nói với binh lính về nhiệm vụ sắp tới, và đây là thứ mà một bác sĩ muốn làm trước khi tiến hành phẫu thuật”.

Thế là màn hình của PPI bắt đầu nhận được nhiều sự quan tâm dù lúc đó giá bán lên đến trăm nghìn đô la. Các giải thưởng bắt đầu được trao cho thiết bị này, và doanh thu ngày một cao hơn. Nhưng ở mức độ nào đó, Han vẫn không hài lòng. “Chúng tôi nhận rất nhiều chỉ trích với vai trò là một công ty khởi nghiệp. Mọi người nói ‘Thứ này thật tuyệt, nhưng khi nào thì anh giảm giá nó?’. Đây cũng chính là lý do vì sao chúng tôi bắt đầu nói chuyện với Microsoft”.

Những cuộc nói chuyện giữa PPI với Microsoft bắt đầu diễn ra, trong đó có cả sự tham dự của CEO Steve Ballmer lẫn đồng sáng lập Bill Gates. “Chúng tôi bắt đầu nói chuyện với họ và nhận thấy họ có cùng tầm nhìn với chúng tôi”, Han nhớ lại. “Khi tôi gặp Bill Gates, ông ấy đã nói rằng ‘Tôi muốn nhìn thấy những thứ này (màn hình cảm ứng đa điểm của PPI) rơi như mưa từ trên trời xuống’”.

Về phần Ballmer, “ông đặt ngay một cái trong văn phòng của mình. Ông là người đầu tiên ở Microsoft làm điều đó. Ballmer có một góc làm việc rất rộng, ông gỡ bỏ cái bảng trắng duy nhất để gắn chiếc PPI lên và nói ‘đây sẽ là cách chúng ta bán sản phẩm này’”.

Jeff Han trong một căn phòng ở nhà máy, nơi ông đang trình diễn các nguyên mẫu của cây bút dùng với Surface Hub​
Jeff Han trong một căn phòng ở nhà máy, nơi ông đang trình diễn các nguyên mẫu của cây bút dùng với Surface Hub​

Khi Perceptive Pixel được Microsoft mua lại vào tháng 7/2012, nhóm phát triển được dồn chung vào bộ phận Microsoft Office nhằm giúp những người mới tiếp cận gần nhất có thể với bộ phận chuyên xây dựng công cụ làm việc văn phòng. Một năm sau, Ballmer tiến hành tái cấu trúc tập đoàn và đưa nhóm PPI thành một mảng bên cạnh các sản phẩm phần cứng khác như Xbox, tablet Surface, và nay có thêm mảng di động mua lại từ Nokia.

Chỉ 6 tuần sau đợt tái cấu trúc, Ballmer thông báo từ chức CEO và kế nhiệm cho ông chính là Satya Nadella. Ngay lập tức, Nadella bỏ chiến lược “Thiết bị & dịch vụ” của Ballmer và theo đuổi một chính sách mới tập trung vào điện toán đám mây, di động và năng suất cao. Và mặc dù rất cồng kềnh, to lớn nhưng Surface Hub vẫn có vị trí quan trọng trong tầm nhìn của vị CEO mới, nhất là khi ông làm rõ rằng “di động không chỉ là smartphone hay tablet. Chúng ta muốn xây dựng trải nghiệm di động, không phải chỉ là các thiết bị di động”.

Giờ đây, Han nói: “Sự hỗ trợ từ ban lãnh đạo công ty giờ đây còn mạnh mẽ hơn trước…. Surface Hub nằm vừa vặn trong tầm nhìn của Satya về một quy trình làm việc di động có kết nối vào đám mây”.

Jeff Han trong nhà máy của Microsoft

Quay trở lại với Han, vị phó chủ tịch phần cứng Angiulo có nói: "Jeff là một người vô cùng tài giỏi và đầy sức sống. Anh ấy là một trong những người đã thành công trong việc chuyển đổi từ một nhà sáng lập sang trở thành một phần quan trọng cho một sáng kiến xuyên suốt công ty. Nhóm Skype thì viết ứng dụng Skype, OneNote thì viết ứng dụng mô phỏng bảng trắng, toàn bộ nhóm Windows thì lo xây dựng hệ điều hành, và tất cả đều tập trung vào chiếc Surface Hub.” Ngoài ra, Han cũng “khiến mọi người muốn làm việc với anh ấy”.

Microsoft không nói rõ họ có bao nhiêu nhân viên làm việc trong dự án Surface Hub, nhưng có nói là con số này vào khoảng vài trăm. Trong đó tất nhiên có bao gồm đội ngũ Perceptive Pixel, chẳng hạn như David Slobodin - người giám sát phần cứng, và những nhân viên kỳ cựu của Microsoft như Hayete Gallot, người chịu trách nhiệm về chiến lược kinh doanh và marketing. Stevie Bathiche, giám đốc nghiên cứu của Bộ phận Khoa học Ứng dụng Microsoft, cũng tham gia chung.

Màn hình chất lượng cao - yếu tố tiên quyết

Một ý tưởng tuyệt vời như công nghệ multi-touch sẽ trở nên vô dụng nếu không có một màn hình tốt. Trước Microsoft, có một số giải pháp cũng đã hoạt động theo gần giống như cách mà Surface Hub được tạo ra, đó là kết hợp màn hình cảm ứng lớn, giải pháp đàm thoại video với Windows vào chung một sản phẩm. Tuy nhiên, Han nhận xét về các thiết bị đó như sau: “Tôi biết là nghe có vẻ tự đại quá, nhưng chúng tôi thật sự không có đối thủ. Đúng là đã có những thiết bị màn hình cảm ứng lớn trước đây, nhưng chúng ở một đẳng cấp thấp hơn, thành thật mà nói là thế”.

Đúng là có vẻ tự đại đấy, nhưng cũng vô cùng hợp lý. Có nhiều thứ đáng chú ý ở màn hình của Surface Hub, chẳng hạn như việc nó sử dụng tấm nền với lớp cảm ứng và lớp LCD được ép lại với nhau, tương tự như màn hình của những chiếc smartphone và tablet đời mới. Chính điều này đã mang lại độ nhạy cao, hình ảnh sắc nét và cảm giác giống như khi xem nội dung được in ra trên một tờ giấy ngoài đời thật. Bên cạnh đó, màn hình này còn sở hữu tốc độ làm tươi 120Hz, gấp đôi so với hầu hết màn hình phổ thông hiện nay, để tạo ra độ mượt cho những hình ảnh chuyện động.

Tất cả những trải nghiệm này sẽ giúp người dùng cảm thấy việc sử dụng Surface Hub không khác máy so với khi họ dùng Surface tablet hay điện thoại, chứ không phải là đang làm việc với cái một TV khổng lồ cùi bắp. Ngay cả lựa chọn kích thước là 84” cũng mang ý nghĩa của nó, bởi vì Surface Hub được thiết kế để nhiều người cùng tương tác chứ không phải là làm theo lượt. Tấm nền cảm ứng tất nhiên phải hỗ trợ nhiều ngón tay, từ 20 ngón trở lên, cũng như có được các kĩ thuật để giúp phân biệt ngón nào của người nào đang chạm vào màn hình.

Surface Hub

Cách tiếp cận của Surface Hub với khả năng gọi điện video nhiều người cũng mới hơn. Thay vì đặt 1 cái webcam cố định trên màn hình, Surface Hub sử dụng hai camera gắn ở cạnh bên của máy, mỗi cái có độ phân giải 1080p và sẽ ghi nhận được một góc khác nhau của phòng họp. Chúng cũng được đặt ở ngang tầm mắt người ngồi trong phòng chứ không phải là từ trên cao xuống.

Nói về phần mềm, Windows 10 và Surface Hub được phát triển song song và “luôn nghĩ về nhau”. Chính vì vậy, ngoài việc hỗ trợ tất cả các app mà những chiếc PC Windows 10 bình thường có thể chạy được, đội ngũ Microsoft còn tích hợp khả năng điều chỉnh giao diện để phù hợp với việc sử dụng trên một màn hình ngoại cỡ. Ví dụ, Start Menu nằm ở giữa màn hình thay vì ở cạnh dưới như bình thường, ngoài ra còn có một số nút điều khiển khác nằm ở hai rìa trái phải của Surface Hub. Trong khi đó, các đối thủ trước đây của Surface Hub chỉ dùng Windows 7, một hệ điều hành không được xây dựng cho thiết bị màn hình to cũng như màn hình cảm ứng.

Lắp ráp Surface Hub - một công đoạn khó khăn

Surface Hub được lắp ráp trong một căn phòng sạch để đảm bảo không có hạt bụi lớn nào lọt vào bên trong thiết bị, đặc biệt là ở khâu ráp màn hình. Mọi người vào trong phòng này đều phải mặc một bộ đồ đặc biệt, lại còn phải đi qua một căn phòng riêng để thổi hết bụi còn vướng lại trên người. “Kích thước càng lớn thì việc giữ sạch càng khó”, Han nói. “Nếu tôi phát hiện thấy một lỗi nào đó - chỉ một hạt bụi nhỏ hay một bong bóng bé tí - tôi cũng phải vất đi cả khối sản phẩm”.

Một trong những công đoạn phức tạp nhất trong việc sản xuất Surface Hub nằm ở chỗ ép tấm cảm ứng và tấm kính vào màn hình LCD. Công nghệ được sử dụng cho màn hình cảm ứng điện dung này cũng giống hệt như những gì đang xài trong smartphone và tablet, tuy nhiên kích thước lớn khiến việc sản xuất trở nên khó khăn hơn rất nhiều, và nó cũng khiến việc chuyển cho đối tác bên thứ ba sản xuất trở nên phức tạp hơn do Microsoft sẽ tốn thêm nhiều chi phí để đảm bảo chất lượng. Đây cũng là một trong những lý do khiến Microsoft quyết định tự mình làm Surface Hub chứ không đi thuê gia công (outsource).

Angiulo nói thêm về quyết định của công ty: “Chúng tôi nhìn vào tình hình kinh tế ở khu vực Đông Á và ngành sản xuất điện tử ở đó. Khi làm các phép tính, nếu chúng tôi đưa cho những công ty bên đó sản xuất thì không có lợi về chi phí. Bạn có thể outsource những thứ nhỏ và dễ giao hàng, còn những máy móc để ép tấm nền của chúng tôi thì chỉ có ở Wilsonville mà thôi. Có đúng một cái máy như thế, và chính chúng tôi là người thiết kế ra nó”.

Sao, giờ anh đã thấy quy mô của việc này chưa”, Han nói khi đang chỉ về phía một cánh tay robot cực lớn đang nhấc tấm nền 84” lên không trung để chuẩn bị cho việc ép tấm cảm ứng.

Han nói: “Tôi không phải gửi người của tôi sang Trung Quốc, vì thế họ cảm thấy vui hơn. Việc sản xuất cũng nhanh hơn, không có rào cản gì về ngôn ngữ, thời gian hay văn hóa cả. Khi tôi muốn kĩ sư của mình đi nói chuyện với mấy anh chàng chịu trách nhiệm phần sản xuất để tinh chỉnh lại nguyên vật liệu, họ chỉ cần đi xuyên qua một cái hành lang mà thôi. Điều đó thật đáng kinh ngạc”.

Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?

Vào thời điểm mà Han dẫn nhóm phóng viên đi tham quan nhà máy Surface Hub thì họ vẫn chỉ đang sản xuất ở số lượng nhỏ mà thôi. Còn trong thời gian tới, khi mà Hub đã cho đặt hàng, hãng sẽ phải tăng sản lượng lên cao hơn thì mới kịp giao cho khách vào tháng 9 năm nay. Ngoài ra, Microsoft cũng đã bắt đầu làm việc với thế hệ kế tiếp của Surface Hub, tuy nhiên Han từ chối tiết lộ bất kì thông tin nào liên quan đến sản phẩm này.

Sếp của Han, Angiulo, thì chỉ về phía chiếc Surface Hub, và chỉ tiếp vào bức tường có gắn bảng trắng gần đó. “Đến khi những sản phẩm như Surface Hub trở nên phổ biến, toàn bộ bức tường này sẽ là một màn hình khổng lồ. Tất cả mọi thứ mà bạn chạm vào trên tường đều sẽ được đồng bộ xuống điện thoại. Chúng tôi có tầm nhìn về việc làm việc nhóm vượt xa những gì mà bạn có thể làm được với Surface Hub ngày hôm nay. Bạn có thể tưởng tượng rằng tương lai bạn sẽ có tất cả mọi không gian để bạn làm việc khi xung quanh bạn là những người hữu ích với bạn”.

Quay trở lại với Surface Hub, liệu nó có giúp gì cho Microsoft hay không ngay cả khi nó không trở thành một sản phẩm mang tính “bùng nổ”? J.P. Gownder, nhà phân tích của Forrester, nói rằng dự án này mang tính dài hạn nhiều hơn, nhất là khi công ty càng lúc sẽ có nhiều khách hàng. “Đây là một nơi tốt để họ cho thấy thế mạnh cốt lõi của mình”.

Theo quantrimang.com.vn


Các tin khác