Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Central Florida đã phát minh ra một loại bề mặt mới cho phép điều chỉnh từng subpixel (các pixel con hiển thị một màu sắc trong 3 màu đỏ, xanh lá, xanh dương) một cách độc lập trong màn hình hiển thị.
Phát hiện mới này hứa hẹn có thể giúp cho các màn hình TV LCD tăng gấp 3 lần độ phân giải và có thể liên tục hiển thị qua đêm. Về cơ bản, những gì các nhà nghiên cứu làm là tìm ra một phương pháp mới để điều khiển các subpixel bằng dòng điện.
Cấu trúc cơ bản của một pixel.
Trên màn hình LCD, mỗi pixel (điểm ảnh) được tạo thành bởi 3 subpixel (điểm ảnh con) màu đỏ, xanh lá hoặc xanh dương. Một đèn nền màu trắng phía sau sẽ chiếu qua các subpixel này, trong khi màn trập phía trước sẽ điều khiển màu sắc được hiển thị.
Ví dụ như điểm ảnh đó muốn hiển thị màu xanh dương, màn trập sẽ che các subpixel màu đỏ và xanh lá lại. Để hiển thị màu tím, màn trập sẽ che subpixel màu xanh lá để màu đỏ và màu xanh dương được kết hợp với nhau.
Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Công nghệ NanoScience của Đại học Central Florida đã tạo ra một bề mặt nano với các subpixel đặc biệt. Các điểm ảnh con này thay vì chỉ có thể đảm nhiệm một màu sắc duy nhất như các subpixel truyền thống, thì chúng có thể được điều khiển bằng dòng điện để có thể hiển thị đầy đủ các màu sắc mà màn hình TV cần có.
Trong tương lai sẽ có siêu màn hình với độ phân giải 12K?
Điều đó cũng có nghĩa một subpixel giờ đây có thể thay thế hoàn toàn cho một pixel. Và mở ra hy vọng cho một thế hệ màn hình mới với độ phân giải (số pixel) tăng lên gấp 3 lần.
Tuy nhiên một khó khăn mà các nhà nghiên cứu đang phải tìm lời giải, đó là tốc độ làm mới. Do công nghệ màn hình mới này có tốc độ làm mới hình ảnh chậm hơn, vì vậy nó chưa đáp ứng tốt những hình ảnh chuyển động nhanh, đặc biệt là khi chơi game.
Nhưng nếu như rào cản này có thể được phá bỏ, công nghệ mới này hứa hẹn sẽ làm thay đổi ngành công nghiệp hiển thị. Những chiếc smartphone sẽ dễ dàng được trang bị màn hình với độ phân giải siêu khủng như 4K hoặc thậm chí là cao hơn.